1. Ích kỷ
Đồng nghiệp độc hại chủ yếu là những cá nhân ích kỷ. Mọi hành động của họ đều được tính toán trước để mang lại lợi ích cho bản thân họ. Dù vậy, những cá nhân độc hại không dễ để bạn nhận biết vì họ thường che giấu những nỗ lực phục vụ bản thân dưới cái mác hành động tốt nhất cho nhóm.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, điều quan trọng là bạn phải tự tìm hiểu và nhận ra thay vì tin vào những tin đồn. Đồng nghiệp nào đó của bạn có thể nhanh chóng phát hiện ra kẻ độc hại trong văn phòng nhưng bạn vẫn nên tự mình nhận ra điều đó thay vì tin vào những lời truyền tai nhau. Với những đồng nghiệp độc hại, thế giới này xoay quanh mình họ và họ sẽ quan tâm đến bất cứ thứ gì còn mang lại lợi ích cho họ.
2. Buôn chuyện
Khi bạn thấy một đồng nghiệp thường xuyên nói xấu người khác sau lưng, bạn đã phát hiện ra một đồng nghiệp độc hại. Tin đồn là gốc rễ của nhiều vấn đề, trở thành nơi sản sinh sự tiêu cực và những cảm xúc leo thang. Cách duy nhất để bạn đối phó với những lời nói rác rưởi đó là tránh tham gia vào.
3. Vui sướng trên nỗi bất hạnh của người khác
Khi ai đó vui mừng trước sự thất bại và bất hạnh của người khác, đó là một đồng nghiệp độc hại. Trong những thời điểm đồng nghiệp nào đó của bạn gặp khó khăn, hãy lưu ý đến những cá nhân cười đắc thắng. Đừng kết giao với đồng nghiệp nhân cơ hội người khác thiếu sót để giành lấy sự ưu ái của cấp trên hoặc cơ hội thăng tiến.
4. Xúc phạm người khác
Khi một đồng nghiệp độc hại nói những lời tầm phào hoặc tiêu cực, bạn nên coi như vượt qua ranh giới. Trong bất kỳ mối quan hệ nào, bạn đều cần có ranh giới nhất định mà người khác cần biết và tôn trọng. Một số người có thể không nhận thức được bản chất và thói quen gây tổn thương của họ. Trong trường hợp này, bạn nên thẳng thắn nói cho họ biết và nếu họ tiếp tục không tôn trọng không gian của bạn, chủ động tạo thái độ thù địch với bạn, quấy rối bạn…, đó là người bạn nên tránh xa, không có bất kỳ lý do nào để bao biện.
5. Ảnh hưởng đến hạnh phúc của người khác
Nếu một đồng nghiệp độc hại có mặt trong văn phòng của bạn, bạn không phải là người duy nhất phải gánh chịu hậu quả từ hành vi của người đó. Bạn sẽ nhận thấy một số đồng nghiệp phải làm việc cùng đồng nghiệp độc hại đó cảm thấy không hài lòng.
6. Nuôi dưỡng sự tiêu cực
Những đồng nghiệp độc hại thích nuôi dưỡng sự tiêu cực. Bạn sẽ không chỉ thấy những lời đàm tiếu và tiêu cực mà còn có những nỗ lực của họ nhằm phá hoại công việc hoặc các mối quan hệ. Tiêu cực là dấu hiệu số một của những người đồng nghiệp độc hại. Khi đối mặt với đồng nghiệp như vậy, điều cần thiết bạn phải làm là giữ một cái đầu lạnh cùng thái độ bình tĩnh.
7. Chia sẻ quá mức
Tất cả chúng ta đều từng gặp phải trường hợp đồng nghiệp nào đó không để ý rằng đã đến lúc ngừng nói chuyện và bắt tay vào làm việc. Họ than thở về những vấn đề cá nhân, đủ thứ về cuộc sống riêng của họ trong giờ làm việc, thu hút sự chú ý không mong muốn và khiến bạn có cảm giác tội lỗi.
Những người này mang các vấn đề của họ từ nhà đến nơi làm việc, chia sẻ năng lượng tiêu cực tới mọi người dù vấn đề hoàn toàn không liên quan tới công việc. Giải pháp tốt nhất trong trường hợp này là nhanh chóng chuyển chỗ hoặc thẳng thắn rời đi sau khi tế nhị nhắc mà đối phương không hiểu đã đến lúc cần dừng lại.
8. Phàn nàn nhưng không muốn có giải pháp
Sự tiêu cực là nền tảng cho thói quen của những đồng nghiệp độc hại. Họ phàn nàn về đủ mọi thứ trên đời, từ chuyện công việc đến chuyện nhà, từ mối quan hệ của mình tới chuyện ngoài ngõ… Lắng nghe những lời phàn nàn này lâu dần sẽ dẫn bạn đến con đường tiêu cực, cảm thấy bất hạnh trong công việc cũng như cuộc sống riêng. Điều đáng nói là, mặc dù miệng luôn phàn nàn nhưng họ lại không muốn tìm ra giải pháp để thay đổi, ngay cả khi người khác muốn giúp đỡ cũng sẽ tiếp tục thể hiện tâm lý nạn nhân.