Miếng da gà

author
17 minutes, 6 seconds Read

Chị không phải một tiểu thư con nhà quyền quý, nhưng từ nhỏ, vì chị hay ốm yếu, kén ăn, nên cả nhà đều chiều chuộng. Cho đến lúc lấy chồng, chị vẫn không ăn nổi một miếng thịt mỡ, và cứ gia cầm là chị phải bỏ da.

Lấy chồng, do chồng là độc đinh nên chị cũng đồng ý sống cùng bố mẹ chồng. Chị nghĩ cứ sống biết điều, biết quan tâm, chia sẻ thì dù mẹ chồng khó tính đến mấy rồi cũng sẽ hòa hợp được thôi.

Bữa cơm đầu tiên khi chị về làm dâu, chị không phải nấu, nhưng lại có món gà luộc. Chị cũng vô tư ngồi xuống ăn. Mẹ chồng chị gắp cho chị miếng thịt gà, theo thói quen, chị bóc da bỏ đi, bà chép miệng thở dài. Bà bảo là phụ nữ phải biết tiết kiệm, vun vén cho gia đình, không thể hoang phí như thời còn con gái. Ban đầu chị không hiểu ý, nhưng đến khi chị bỏ miếng da thứ hai đi thì bà bảo, con không ăn được da thì đưa mẹ ăn, bỏ đi như thế phải tội. Mẹ chồng nói thế làm sao chị dám bỏ da vào bát của bà, đành nhắm mắt, nhắm mũi ăn. Chồng chị ngồi cạnh cũng không nói gì.

Lần sau nhà làm ngan, chị không ăn được da, nhưng biết ý chị bỏ ra sang bát chồng. Mẹ chồng cuống quýt nói: “Thằng T mỡ máu cao, bác sĩ bảo hạn chế ăn da, con không ăn được da, cứ đưa cho mẹ, trước bố mày bỏ da, tao cũng toàn ăn, đến thằng T không ăn da tao cũng ăn, đàn bà mà không biết hy sinh cho chồng, cho con thì gọi gì là đàn bà”. Chồng chị vẫn im lặng, điềm nhiên gắp miếng thịt thật nạc nhồm nhoàm nhai.

Chị không giận mẹ chồng chị, chị chỉ thấy thất vọng vì thái độ của chồng. Không một lần nào, anh nghĩ cho chị, dường như bao nhiêu năm anh đã quen với sự hy sinh của mẹ, và bây giờ anh nghĩ vợ anh cũng phải như vậy.

Chị làm giáo viên, công việc không quá vất vả nhưng không hề nhàn hạ. Vì về đến nhà chị vẫn phải làm việc, chị phải soạn giáo án, chấm bài, rồi dạy thêm nữa. Khi làm dâu, chị không thể để kệ mẹ chồng làm hết việc nhà, nhưng tệ nhất là mẹ chồng chị đã quen với việc chồng chị đi làm về là không phải làm gì cả. Bà đã quen với việc dù bận đến mấy phụ nữ cũng phải làm tất cả mọi việc. Nên có những ngày đi làm về, chị mệt nhoài vẫn phải vào bếp phụ mẹ chồng nấu cơm, đợi chồng và bố chồng ăn xong thì dọn dẹp, rồi lên gập quần áo, lau nhà, mãi hơn 9 giờ tối chị mới được tắm.

Mọi chuyện vẫn còn tương đối dễ chịu khi vợ chồng chị chưa có con. Khi có con rồi, niềm vui làm mẹ chưa trọn vẹn, chị đã ứa nước mắt khi vừa sinh mấy ngày, sữa vừa về ngực căng tức, mẹ chồng bảo chị đêm không được gọi chồng dậy pha sữa, trông con vì sáng nó còn đi làm, mình ở nhà cả ngày, chịu khó thức đêm, cần gì thì gọi mẹ. Cứ thế chị lủi thủi một mình, vừa dỗ con, thay bỉm cho con, pha sữa cho con… Trộm vía con chị rất ngoan, ít quấy khóc.

Đến bữa cơm, chị xuống ăn cùng cả nhà để mẹ chồng không phải mang cơm lên phòng, chị lại ứa nước mắt thêm lần nữa khi bữa cơm rất nhiều món nhưng đều là những món mà chồng chị thích, chị là gái đẻ chỉ có một bát thịt nạc, một đĩa rau muống luộc, và nước nước luộc rau. Mẹ chị gọi chị suốt hỏi thèm ăn gì để mẹ nấu mang sang. Mẹ chị hầm gà, hầm chim, ngày nào cũng mang sang, tiện thể mang quần áo của con gái và cháu về giặt. Cũng vì việc này mà mẹ chồng mắng chị không biết thương bà ngoại, để bà mang đồ về giặt, không biết đường tự mang lên sân giặt rồi phơi. Chồng chị vẫn im lặng, anh còn bận chơi điện tử.

Làm dâu, chị thấy thương mẹ hơn. Mẹ làm dâu mấy chục năm, bao nhiêu lần chị thấy mẹ nén nước mắt. Lấy chồng rồi, ngồi vò quần áo cho bố mẹ chồng, chị mới nhớ ra chị chưa từng giặt quần áo cho bố mẹ chị, chưa từng nấu được cho mẹ bát cháo, chưa từng bóp lưng cho mẹ.

Chị làm giáo viên, nên có việc gì không bằng lòng, chị chọn cách im lặng. Chị không thể cãi bà vì chị sợ mang tiếng là láo. Thâm tâm chị chỉ ước chồng chị bênh chị một lần, đứng ra bảo vệ chị một lần. Nhưng anh chỉ nói với chị: “Mẹ ngày trước khổ như thế nào chẳng kêu, sao em cứ kêu ca suốt thế”… Và trước bất kỳ sự bất công nào đến với chị, anh đều chọn cách im lặng.

Cứ như thế thời gian trôi đi, cùng với sự ra đời của hai đứa trẻ là tình yêu chị dành cho anh cứ cạn dần. Đôi lúc chị không hiểu chị duy trì cuộc hôn nhân này là vì điều gì nữa? Nhờ sống với anh, với gia đình anh, mà dần dần chị bắt đầu ăn thịt mỡ, ăn da, thậm chí là cả đầu gà, đầu cá, thứ trước đây chị không đụng đũa bao giờ. Khi chị về nhà bố mẹ đẻ, bố mẹ chị kinh ngạc khi thấy con thay đổi quá nhiều. Bố mẹ chị cứ nói đùa là chồng chị giỏi, thay đổi được nhiều thói quen mà bố mẹ bao nhiêu năm không lay chuyển được. Chồng chị cười còn chị chỉ thấy xót xa trong lòng.

Tháng trước, thấy tóc bạc nhiều bất thường, chị đã định đi khám nhưng tiếc tiền lại thôi. Đúng đợt cơ quan chị tổ chức khám sức khỏe định kỳ, chị mới biết mỡ máu chị cao khác thường, chức năng gan, thận đều không tốt, có nguy cơ bị GOUT. Bác sĩ chỉ định chị phải đi khám lại và lên một chế độ dinh dưỡng khoa học.

Khi về nhà, nhìn mặt chị buồn anh cũng chẳng hỏi han, ngồi xì xụp ăn mỳ do mẹ anh nấu. Mẹ chồng than vãn: “Mày về muộn, thằng T chờ mãi, hôm nay mẹ mệt không cơm nước gì được, đành nấu cho bố con nó bát mỳ, còn ít thịt gà trong bát, mày lấy mà nấu”. Chị hỏi: “Cả nhà ăn cả rồi ạ, hai đứa ăn gì ạ?”. “Nấu mỳ ăn cả rồi! Ăn mỳ một bữa cũng được, sau làm gì thì thu xếp về sớm sớm, không phải lúc nào tôi cũng làm osin cho nhà anh chị được!” – Bà nói dỗi.

Như mọi khi, chị không nói gì, vào bếp với lấy gói mỳ, đun nước định nấu nhưng khi ngó vào bát thịt gà mọi người để lại, chỉ toàn da, chân, đầu với cánh, chị nghẹn không tài nào ăn được. Chị tắt bếp lên gác nằm. Đêm ấy chị không ngủ được.

Chị nhận ra chị chẳng hề có vai trò đáng kể nào trong gia đình. Với các con chị, những gì chị làm đều là điều đương nhiên. Chị thường nghe bà nội nói với các con những câu đại loại như: “Nói khẽ thôi, để bố ngủ bố còn đi làm, bố đi làm mới có tiền nuôi các con chứ”; “Hai đứa ăn gì ngon phải phần bố, bố đi làm vất vả”… Trong những câu đó không bao giờ có chị.

Chị nghe quen rồi, cũng chẳng thấy chạnh lòng. Chị là giáo viên dạy văn cấp 2, chị nghĩ về những bài văn chị hướng dẫn học trò về thân phận người phụ nữ trong chế độ phong kiến. Bây giờ chế độ phong kiến qua rồi, mà sao chị thấy thân phận người phụ nữ vẫn nhỏ nhoi, chẳng khác gì con sâu, con kiến…

Chị có cô con gái, năm nay 7 tuổi, nhưng chị đã nghe thấy mẹ chồng chị dạy con bé phải nhường em, vì em là con trai, con là con gái con phải biết hy sinh, trong bữa ăn, miếng ngon nhất bao giờ bà cũng bảo để phần ông, phần bố, phần em trai, mình là con gái ăn ít đi chút không sao… Bỗng nhiên chị thấy rùng mình…

Hôm sau chị cầm tờ giấy khám sức khỏe đưa cho anh, anh xuống bảo mẹ là giờ hạn chế dầu mỡ thôi, đừng ăn nhiều đồ xào rán, mẹ nó (ám chỉ chị) đi khám mỡ máu cao, phải ăn kiêng. Mẹ chồng chị bĩu môi: “Bao nhiêu năm ăn có sao đâu, không khám không sao, khám lại nhanh chết!”. Chồng chị quay sang bảo chị: “Có khi bác sĩ cứ làm quá lên để ăn tiền, rồi bảo em mua thuốc nọ thuốc kia, chứ cả nhà đều ăn thế, có sao đâu?”.

Chị không nhịn được nữa, gào lên: “Cả nhà ăn thế cái gì, bao nhiêu năm cái gì ngon nhất là đàn ông ăn, một miếng da anh có bao giờ phải ăn? Mà anh nói cả nhà? Anh đã bao giờ phải ăn đồ thừa, đồ cũ bữa nào? Cam em mua về, bà bảo phải để dành vắt cho anh, cho ông nội, cho các con, phụ nữ chẳng cần cầu kỳ. Thế em không đi làm à? Em không vất vả à? Hay là đàn bà thì không phải con người?”.

Mẹ chồng chị lần đầu tiên thấy chị như vậy, bà dỗi bảo chị láo. Chồng chị thiếu chút nữa vung tay lên cho chị một cái bạt tai, may mà phút cuối anh kiềm chế được. Anh bỏ đi làm. Tối về, bà nội dỗi không ăn cơm, anh bảo chị phải xin lỗi bà. Chị nói chị không làm gì sai, không có gì phải xin lỗi. Bà khổ, chị biết, nhưng không thể bắt chị và con gái chị cũng khổ giống như bà. Quan điểm của bà chị không đồng tình, sự vô tâm của anh không phải điều chị chờ đợi trong cuộc hôn nhân này. Nếu anh cảm thấy chị quá đáng, có thể viết đơn ly hôn, chị ký.

Lần đầu tiên anh thấy chị thách thức anh, chẳng chần chừ anh viết đơn luôn và nói: “Nếu cô không xin lỗi mẹ tôi, thì tôi với cô chẳng còn gì để nói”.

Nước mắt chị chảy dài, chị cầm lá đơn ký ngay không suy nghĩ, rồi ngay lập tức chị thu dọn quần áo về nhà bố mẹ đẻ.

Bố mẹ đẻ thấy chị trở về, tiều tụy, hốc hác, tóc bạc đến một phần ba, ông bà hiểu rằng, chị đã trải qua rất nhiều trăn trở, mới quyết tâm kéo vali về nhà, bất chấp điều tiếng.

Chị thấy chị vẫn còn may mắn lắm khi vẫn còn nơi để trở về. Mẹ chồng chị, chị biết, bà sẽ không bao giờ cho phép con trai hạ mình xin lỗi vợ, càng không bao giờ gọi điện cho chị, khuyên nhủ, dù bà luôn nói thương chị hơn cả con gái, bởi vì bà từng bảo, đã đi thì đừng về, phải giữ cái thế nhà chồng, để nhà gái không coi thường được, chết cũng không cho con trai xin lỗi vợ. Anh cũng gật gù thấy đúng. Nên bao nhiêu năm làm vợ chồng, chưa một lần anh xin lỗi chị, có chuyện gì anh chỉ lân la bắt chuyện làm lành, đối với anh thế đã là tốt lắm rồi. Anh kể từ nhỏ mỗi lần mẹ mắng, anh lại dỗi bỏ ăn cơm. Bà sợ anh gầy, ốm yếu lại dỗ dành, xin lỗi. Giờ lấy vợ rồi, cãi nhau với chị, anh vẫn giữ thói quen bỏ ăn cơm, hoặc đi nhậu thật khuya mới về. Mẹ anh lo cho sức khỏe con trai, lần nào cũng giục bắt chị gọi điện cho anh về, rồi bảo phải nhịn chồng, xin lỗi chồng, chồng mình chứ ai mà so đo hơn thiệt.

Hỏi rằng, chị có buồn không? Có cô đơn không? Có chứ. Chị có thương các con không? Có chứ. Chị cũng muốn cho các con có được một gia đình đầy đủ, ấm áp. Trong gia đình ấy luôn đầy ắp, tiếng cười, sự quan tâm, mỗi một thành viên đều quan trọng. Nhưng chị không làm được. Chị hiểu rằng nếu chị cứ thỏa hiệp, chị sẽ trở thành một bà mẹ chồng y như mẹ chồng chị sau này. Đến giờ bà vẫn lặng lẽ khóc mỗi khi ông quát nạt bà trước mặt các con, hoặc ông giận dỗi bà bỏ đi chơi qua đêm từ ngày ông bà còn trẻ, để mặc bà với con nhỏ ốm sốt. Anh thường kể với chị sự chịu đựng vĩ đại của bà và nói rằng: “Chị sướng hơn bà nhiều lắm, vì ít ra anh không tệ như thế!”.

Chị quyết định ly hôn. Mặc kệ mọi người bảo chị cố chấp, bảo chị ích kỷ, mặc kệ mẹ chồng đi rêu rao khắp nơi chị đòi bỏ chồng chỉ vì miếng da gà.

Chị thì chị nghĩ cũng nhờ miếng da gà mà chị biết vị trí của mình ở đâu trong gia đình. Cũng nhờ miếng da gà mà chị hiểu chị cần sống khác đi, cần yêu thương bản thân mình trước nhất.

Để ít ra sau này con gái chị, sẽ không vì một miếng da gà mà phải chịu đựng, chôn vùi tuổi thanh xuân, chỉ duy nhất diễn ra một lần…

GIANG ĐINH

Similar Posts