Có thể nói, biết đến công việc viết báo là một công việc vất vả là khi tôi bắt đầu kỳ thực tập cuối cấp tại báo Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL), nay là tạp chí ĐS&PL.
Nhớ lại ngày đầu ấy, tôi rất lúng túng, ngần ngại vì lẽ mình không có kinh nghiệm thực tế công việc này, phải làm sao để có thể tác nghiệp, làm sao để có nguồn tin? Khi đó, hơn một tháng chỉ ngồi tại cơ quan đọc các ấn phầm của báo, theo dõi các anh chị đi trước làm việc dường như cảm thấy kiến thức được học khác xa với công việc thực tế.
Phải nói, quá trình tác nghiệp để làm một tin bài thời sự rất vất vả đối với một người mới vào nghề, đối với công việc này, nhiều khi phải xông pha, thậm chí là lăn lộn đủ kiểu để có được dữ liệu mình cần, nhiều lúc gặp vướng mắc trong quá trình tác nghiệp nhưng rất may khi tôi được các anh chị đồng nghiệp giúp đỡ để có thể hoàn thành tốt kỳ thực tập.
Sau khi kết thúc kỳ thực tập tại báo ĐS&PL, trở về trường và được nhận tấm bằng tốt nghiệp, cũng là lúc tôi chính thức bước chân vào nghề viết báo. Khi đó, tôi đã quyết định quay lại nơi mình thực tập để làm nghề.
Trở lại đây, dường như đã quen với việc tác nghiệp thực tế được học khi còn là một thực tập sinh, nhưng khi công việc bắt đầu vào guồng hơn thì lại nảy sinh một số khó khăn khác: làm sao để duy trì đề tài mỗi ngày? Làm sao có thể theo kịp các anh chị làm tin thời sự trong ngày một cách nhanh nhất? Làm thế nào để câu chữ không bị trùng lặp? Làm thế nào để mỗi tin bài luôn đảm bảo tính mới, tính thời sự?… Thật sự, đây là những câu hỏi hóc búa. Thậm chí, khi đã thỏa mãn các câu hỏi trên rồi thì để bài viết đạt được yêu cầu trên, trong quá trình viết, người viết không ngừng động não, viết rồi chưa thấy đã, sửa lại. Nhiều khi bài viết chưa vừa ý, giấc ngủ chập chờn, đang nằm nảy ra ý mới, ngồi bật dậy, sửa lại bài, viết bổ sung…
Hơn nữa, có thể nói nghề báo là nghề phải đối mặt với những khó khăn, vất vả và đầy nguy hiểm. Thế nhưng, hầu hết những người bước vào nghề đều chấp nhận dấn thân để cho ra đời những đứa con tinh thần ưu tú nhất. Và họ luôn có những kỷ niệm buồn, vui trong nghề không thể nào nói hết.
Mặc dù mới vào nghề, những tôi cũng có không ít kỷ niệm trong nghề làm báo. Nhớ lại một lần tác nghiệp khi mới vào nghề chưa được lâu, nhận được phản ánh từ người dân tại một chung cư ở Hà Nội về việc hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa nhà chưa đảm bảo đã đưa người dân vào sinh sống. Khi đó, tôi đã liên hệ với Ban quản lý chung cư để xin được tác nghiệp, tuy nhiên, trong quá trình làm việc với bộ phận này, chỉ toàn nghe những câu nói xúc phạm, dọa nạt thậm chí họ sẽ tìm về địa chỉ gia đình đang sinh sống với mục đích đe dọa, không cho phóng viên tác nghiệp.
Hay như lần gần đây, chúng tôi nhận được phản ánh về tình trạng xe quá tải, khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân địa phương, chúng tôi đã trực tiếp xuống ghi nhận thực trạng một cách nhanh chóng rồi rời khỏi nơi đó, do nhận được thông tin rằng những đơn vị khai thác trái phép đó được dân anh chị “bảo kê” rất nghiêm ngặt. Ngay sau đó, chũng tôi đã trở về nhà an toàn, nhưng cũng là lúc nhận được tin báo của người dân rằng những anh chị xã hội đen “bảo kê” kia đang đi lùng sục để tìm chúng tôi…
Qua một thời gian ngắn làm báo, có một điều mà tôi muốn nói ở đây, đó là: Sự đam mê. Có nhiều cách để bước chân vào nghề báo: Bạn chủ động chọn nghề hoặc nghề vô tình chọn bạn. Nhưng dù ở truờng hợp nào thì một nhà báo cũng không thể làm nổi với nghề nếu không có đam mê.
Tôi nhớ, khi bắt đầu làm báo có một người đồng nghiệp đi trước đã nói với tôi rằng: “Với từng trang viết, nhà báo thể hiện từng quan điểm của mình về từng sự kiện trong đời sống. Được nói, được nghĩ, được viết, được thể hiện – đó phải chăng là một thứ vinh quang riêng có của những người làm báo? Và chính vinh quang ấy vừa là một động lực giúp chúng tôi tiến lên trong nghề, vừa là một sự thỏa mãn, giúp chúng tôi có thể tiêu tan rất nhiều những sự chất chứa, dằn vặt về tư duy.
Nghề báo là đam mê, nhưng nghề báo cũng là cám dỗ. Nghề báo là vinh quang nhưng nghề báo cũng là “chiến tranh” khốc liệt. Bởi vậy, nghề báo, ở một góc độ nào đấy chẳng khác gì một cái lò lửa rèn luyện bản lĩnh, trí tuệ con người. Sống trong lò lửa ấy và không bị lò lửa ấy thiêu cháy mình – đó là khát vọng mà bất cứ nhà báo chân chính nào cũng hướng tới, và cũng quyết thực hiện bằng mọi giá”.