Khi người ta yêu nhau, cùng nhau đến phường đăng ký kết hôn chắc chẳng ai lại nghĩ đến cái viễn cảnh phải đưa nhau ra tòa ly dị. Chị và anh đã từng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với hai cậu con trai khôi ngô, tuấn tú.
Gia đình anh chị cũng là hình mẫu đáng mơ ước của nhiều người. Anh là một sĩ quan quân đội, chị là một giáo viên trung học. Cuộc sống của họ đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn khi anh trong quân ngũ, chị ở nhà một nách hai con.
Những năm cuối của thế kỷ trước, kinh tế còn hạn hẹp nhưng với sự cần cù, chăm chỉ anh chị cũng góp nhặt xây được ngôi nhà mái bằng khang trang, có được mảnh vườn đủ hoa cỏ, cây trái. Vừa đi dạy, vừa chăn nuôi, trồng trọt, chi tiêu tằn tiện, chị cũng dành dụm được một khoản để mua cho anh cái xe máy Dream. Lúc bấy giờ những chiếc xe Dream Thái quả thật là một tài sản lớn và là giấc mơ của nhiều gia đình công chức.
Anh được cử đi học ở trường sĩ quan Đà Lạt, chị vất vả hơn nhưng cũng vui hơn vì anh sẽ được thăng quân hàm. Cuộc sống chồng bộ đội, vợ giáo viên cứ thế trôi qua. Các con lớn hơn, kinh tế cũng bớt khó khăn khi đồng lương của bộ đội, của giáo viên đều tăng. Chị đã có thể sắm thêm cho gia đình mình những tiện nghi hiện đại hơn. Anh được thăng quân hàm đại tá nhưng với cương vị mới lại phải xa nhà hơn.
Chị vẫn dành tất cả tình yêu của mình cho gia đình, chồng con. Mỗi cuối tuần anh về nhà là những ngày vợ chồng con cái quây quần hạnh phúc. Anh quy hoạch lại mảnh vườn giúp chị, làm những công việc nặng nhọc mà chị và hai thằng con trai chưa làm được.
Chị đi chợ và nấu những món ăn ngon, bổ dưỡng cho chồng con. Rồi anh lên đơn vị, chị lại trở về với công việc của mình nhưng trong những câu chuyện chị kể về gia đình, ánh mắt, nụ cười của chị tràn ngập niềm hạnh phúc. Nhìn chị, chúng tôi đứa nào cũng ước ao có một gia đình như thế.
Bẵng đi một thời gian thấy chị có vẻ gầy hơn, trầm hơn. Xong công việc trên trường là chị về nhà. Chị cũng ít kể về anh như trước đây. Nếu có ai hỏi, câu trả lời của chị cũng miễn cưỡng, đôi mắt chị đượm buồn. Cho đến một ngày, đội hóng drama của chúng tôi cũng phát hiện ra một bí mật khủng khiếp mà chị giấu kín gần năm trời: Anh có người phụ nữ khác và còn có cả một đứa con trai với cô ta.
Điều này làm tất cả mọi người chúng tôi đều thốt lên: Không thể tin được! Mà tin làm sao được chứ, nhưng thái độ của chị khiến chúng tôi chả ai dám hỏi để xác thực cái tin kia có chính xác hay không?
Chị vẫn bình thản, vẫn đi dạy, vẫn làm vườn, trồng rau, nuôi gà. Thỉnh thoảng chị đi đâu đó rồi khi trở về nhà có vẻ mệt mỏi, lặng lẽ hơn. Cũng có những lần anh từ đơn vị về nhà rồi lại ra đi nhưng không thấy cảnh chị tíu tít chuẩn bị quần áo, thuốc men cho anh mang theo như trước. Có đôi lần tôi còn nghe thấy anh chị như to tiếng nhưng vì nhà chị rộng, vườn nhiều cây cối lên tôi cũng chẳng biết chuyện gì đang xảy ra trong ngôi nhà hạnh phúc đó.
Tình trạng ấy kéo dài đến gần hai năm trời, tha hồ cho chúng tôi suy diễn, đoán già, đoán non. Cho đến một hôm chị xin nghỉ dạy một buổi trên trường có việc gia đình. Chúng tôi, những động nghiệp đàn em đều sẵn lòng dạy giúp chị. Ngày hôm sau chị đến trường với một bộ váy mới rất đẹp và ánh mắt, nụ cười cũng rạng rỡ không còn vẻ u uất mọi khi. Chúng tôi, đứa nào cũng túm chị lại hỏi địa chỉ mua cái váy ở đâu?
Chị lại cười nói, lại vui vẻ như trước. Rồi chị tuyên bố đã bỏ chồng, hai người đã làm xong các thủ tục ly hôn. Hai đứa con ở với chị, anh có trách nhiệm nuôi thằng lớn học nốt đại học, chị nuôi thằng bé đang học năm cuối cấp 3.
Tài sản nhà cửa, đất cát để lại hết cho con. Anh ra đi không mang theo thứ gì, chị ở lại vì các con còn đang đi học nên phải có người trông nom. Khi nào hai đứa trưởng thành mọi tài sản sẽ bàn giao sang tên con. Bắt đầu từ nay chị sẽ sống cho mình…
Một việc động trời như thế mà nghe chị tuyên bố tỉnh queo khiến những nụ cười trên môi chúng tôi chưa kịp thành hình đã tắt lịm. Với những kẻ còn đang vật vã trong những “hợp đồng hôn nhân” mà vợ chồng thỉnh thoảng lại cãi nhau vì cơm áo, gạo tiền hay vì bất đồng quan điểm trong việc mai này cho con học trường nọ, trường kia như tôi thì việc gia đình chị tan vỡ quả là điều không thể tưởng tượng. Vì nó quá yên ấm, hạnh phúc.
Lão chồng của tôi trước đây đã có lần bảo tôi: "Em chả phải học tập ở đâu, cứ học chị C. ấy".
Chắc lão cũng giống như nhiều người khác đều cảm động trước tình yêu của chị với chồng con. Nhưng hạnh phúc là một cái gì đó thật mong manh, không phải khi ta cứ cố giữ là giữ được. Tình yêu cũng chẳng thể là mãi mãi. Ai rồi cũng sẽ phải thay đổi.
Mọi lo lắng của chúng tôi cho chị có vẻ là không cần thiết vì sau hôm đó chị quả thật đã thay đổi. Chị không từ chối những cuộc tụ tập ăn uống, mua sắm, tám chuyện trên trời dưới biển cùng chúng tôi. Chị đi đây đi đó nhiều hơn, váy áo cũng sắm sửa thêm nhiều, chị chịu khó làm đẹp hơn, chăm sóc bản thân nhiều hơn… Trông chị như một người khác hẳn, mà ngay cả chúng tôi những người thân thiết với chị nhiều lúc cũng phải ngỡ ngàng. Có lần tôi không khỏi băn khoăn thăm dò chị: "Thế chị không còn nghĩ gì đến anh nữa à?".
Chị gạt ngay: "Không, chị đã cho qua là không bao giờ nghĩ đến nữa. Giờ mình phải yêu mình thôi em ạ".
Nói là làm thật, chị cứ phơi phới yêu đời, trẻ trung, xinh đẹp còn hơn cả lúc anh chị đang hạnh phúc. Cuộc sống của ba mẹ con chị cứ thế trôi qua. Hai đứa con chị lần lượt học xong đại học và có công việc ổn định, chị cũng nghỉ hưu. Không còn phải lo lắng nhiều cho các con như trước, chị càng có thêm điều kiện để sống cho mình.
Thỉnh thoảng chúng tôi đến chơi nhà chị, nhìn vườn hồng rực rỡ đủ màu và giàn lan với nhiều giống quý và đặc biệt nhìn chị vẫn cứ trẻ, cứ vui khỏe lại không khỏi thắc mắc: Cuộc sống hậu ly hôn của chị đây ư? Có vẻ như nó cũng không đến mức bi đát như chúng tôi từng nghĩ.
Rồi một ngày chị khoe với chúng tôi về người đàn ông mà chị đã có thể chia sẻ tâm tình. Chị lại yêu, và hình như “Tình yêu nào cũng tha thiết như nhau” nên tôi thấy chị lại ngập tràn hạnh phúc, chị lại say sưa nói về người đàn ông của mình. Cảm giác như chị chưa hề trải qua những tổn thương của cuộc sống hôn nhân.
Nhìn chị tôi chợt ngẫm ra: Ai cũng mong muốn mình có một gia đình trọn vẹn, hạnh phúc, nhưng nếu hôn nhân đã chẳng còn tiếng nói chung, người ta có nhất thiết phải oán hận, khổ đau suốt phần còn lại của cuộc đời?
Chia tay chỉ là hai người không còn đi chung trên một con đường nữa thôi mà. Vẫn có thể một hôm nào đó gặp lại nhau như một người bạn, vẫn có thể nói với nhau những lời dù không ngọt ngào như thuở còn yêu thì chí ít cũng không làm tim nhau thêm đau đớn.
Khi hết yêu, nhiều người vẫn chọn cho mình trách nhiệm bởi họ sợ phải mất đi nhiều thứ, sợ làm tổn thương con cái, bố mẹ, người thân trong khi chính mình mới là người tổn thương nhất. Cũng có những người dũng cảm (hay đau đớn) giải phóng cho mình và người kia, kết thúc hôn nhân bằng ly hôn cũng chẳng có gì sai.
Tình yêu muôn đời vốn không có đúng sai. Mọi vết thương rồi thời gian cũng sẽ làm lành, sẽ thành sẹo, dù đôi khi trái gió, trở trời vẫn làm ta nhức nhối. Ai rồi cũng có thể tìm thấy hạnh phúc cho mình, chỉ là ta có dám chấp nhận những bi kịch của tình yêu và dám sống là chính mình không thôi.
Thế nên, nếu bạn đang có một gia đình trọn vẹn, đang có những người để yêu thương và được yêu thương vô điều kiện thì hãy trân trọng niềm hạnh phúc ấy.
Còn nếu bạn chẳng may “đứt gánh tương tư” thì hãy cứ chọn cho mình cách hành xử văn minh nhất để thấy rằng cuộc đời này vẫn còn rất nhiều điều đáng để ta yêu thương, trân trọng và chính ta cũng xứng đáng để được yêu thương.
Nguyễn Thanh Hương